Hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù quy định của pháp luật đã rất rõ ràng, nhưng vì những động cơ khác nhau, những vụ việc lợi dụng mạng xã hội để đưa tin thất thiệt vẫn tiếp tục xảy ra. Mới đây nhất là vụ PV Vũ Quang Linh, Báo Đời sống & Pháp luật đã tố giác hành vi này của ông Trần Nhật Minh, chủ tài khoản facebook Tran Nhat Minh và “Diễn đàn Nhà báo và Chính sách” tới các cơ quan chức năng.
Tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật
Theo đó, ngày 28/6, ông Vũ Quang Linh với tư cách cá nhân người bị hạị, bày tỏ chính kiến và gửi đơn tố cáo đích danh hành vi của ông Trần Nhật Minh, chủ tài khoản facebook Tran Nhat Minh, đồng thời là admin của group “Diễn đàn Nhà báo và Chính sách” và những quản trị viên tham gia bình luận dẫn dắt dư luận theo hướng lợi dụng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật bịa đặt doanh nghiệp “đã đưa nhà báo trên 120 triệu” liên quan đến quá trình tác nghiệp của PV này.
Ngay sau đó, nhiều thành viên của chính trang này bày tỏ những hoài nghi về những thông tin trên trang có liên quan đến PV Linh là “giả mạo”, “quy chụp”, “gây chia rẽ những người làm báo”, có tư tưởng và động cơ cực đoan…
Đáng chú ý, những bình luận đa chiều, cung cấp thêm thông tin làm sáng tỏ vụ việc hay những chính kiến của họ không có lợi, không đúng với sự “dẫn dắt” lệch lạc sai trái của những thành viên quản trị diễn đàn này, những bình luận như vậy ngay lập tự bị xóa, bị loại ra khỏi thành viên. Việc làm này càng cho thấy group “Diễn đàn Nhà báo và Chính sách” và những quản trị viên của trang này đưa thông tin về PV Linh là thiếu trung thực, khách quan, một chiều và có dụng ý xấu. Hành vi này, bị nhiều người phản ứng sau đó cho là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động báo chí, Luật an ninh mạng.
Một số luật gia phân tích, Hành vi tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội nếu ảnh hưởng không lớn đến cá nhân, tổ chức thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP khi bị phát hiện. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt hành chính lên đến 100.000.000 đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội như là Facebook, Twitter, Instagram,… có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đánh giá về vấn nạn tin giả – Fake News, Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) – Bộ Công an nhận định tại Hội thảo quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam – Vietnam Security Summit 2019 đã nhấn mạnh, hiện nay vấn nạn này cũng đang gây “nhức nhối”, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới khách thể, nạn nhân của những tin tức giả, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Tin giả được lan truyền trên các trang mạng xã hội hiện nay đa phần mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý người đọc.
Chủ động đấu tranh, kịp thời phản bác và nâng cao sức “miễn dịch” trước tin xấu
Đấu tranh với tin giả, tin xuyên tạc tránh để sự dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng lệch lạc đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý báo chí thường xuyên quan tâm chỉ đạo.
Mới đây, trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội” được đăng tải gần đây, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã xác định một số giải pháp liên quan đến truyền thông xã hội rất đáng lưu ý. Đó là phải xác định rõ, truyền thông xã hội là môi trường mở, độc đáo, đặc biệt quan trọng nằm bên cạnh dòng chảy thông tin của truyền thông truyền thống cần được khai thác tối đa mặt tích cực, cổ vũ những giá trị tiến bộ, định hướng và tiến hành đấu tranh với những nhận thức, tư tưởng, quan điểm sai trái…
Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia đã đồng tình khi cho rằng, cần nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật với các điều khoản cụ thể, rõ ràng, sát thực, phù hợp, theo kịp tốc độ biến động của truyền thông xã hội, thay vì chỉ dừng ở quy tắc điều chỉnh mang tính khuyến nghị đạo đức và văn hóa. Cùng với đó, phải xác định dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm…Trước mắt là xử lý thật nghiêm minh đúng pháp luật những cá nhân tố chức vi phạm để răn đe, ngăn chặn và làm gương cho xã hội.
Sự “chủ động cung cấp thông tin” ở mỗi cơ quan, đơn vị phải có một người phát ngôn đủ kỹ năng, trình độ và tầm trách nhiệm để trả lời mỗi khi nhận được câu hỏi của giới truyền thông về vấn đề dư luận quan tâm; có “kịch bản khung” khi xảy ra khủng hoảng truyền thông. Đồng thời sự chủ động cung cấp thông tin từ phía Nhà nước trước những vấn đề lớn của đất nước, địa phương, ngành cũng cần làm tốt hơn, thông qua những cuộc họp báo thường kỳ, theo vụ việc.
Để ngăn chặn nạn tin giả, bản thân mỗi người làm báo, cán bộ, đảng viên và lãnh đạo các tổ chức đến từng công dân khi dùng mạng xã hội phải đề cao trách nhiệm nêu gương cá nhân trước cộng đồng thông qua việc nhận diện cho được tính hai mặt của nó. Cụ thể là ngoài tuân thủ đúng pháp luật, đề cao trách nhiệm công dân, khi tiếp nhận những thông tin tiêu cực cần chủ động tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy để kiểm chứng.
Người làm báo, cán bộ, đảng viên cũng cần đi đầu tham gia xây dựng lối ứng xử văn minh trên mạng internet như: Không đăng ảnh trẻ em, hành vi bạo lực… khi không được phép; không chạy theo, chia sẻ (share) cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia; không tham gia bình luận (comment) với những chủ đề mình không hiểu biết hoặc nguồn tin phát trên mạng xã hội từ những tổ chức, cá nhân thiếu sự kiểm chứng;
Quản lý chặt chẽ báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ. Môi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo chân chính phải coi trọng những giá trị cốt lõi trong truyền thông: (1) Đưa tin chính xác và khách quan; (2) Tránh gây phương hại; (3) Khách quan – không bị thao túng; (4) Trách nhiệm và minh bạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, các cơ quan báo chí và các cơ quan chủ quản.
Ngoài ra, để ngăn chặn, đẩy lùi tin giả trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc. Đây là một giải pháp cần phải làm thường xuyên, liên tục, lâu dài và đóng vai trò chủ đạo để nhân dân, nhất là những người sử dụng internet có bản lĩnh vững vàng, nâng cao khả năng tự quản lý, tự “miễn dịch” trước mọi thông tin sai trái, độc hại phát tán trên mạng xã hội.
Nguồn : Báo giadinhvaphapluat.vn